Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017


Ngày nay, các thị trường tài chính trên thế giới được phân loại thành 3 nhóm chính, cao nhất là thị trường phát triển (Developed Market), tiếp đến là thị trường mới nổi (Emerging Market) và thấp nhất là thị trường cận biên (Frontier Market). 

Xếp hạng thị trường được đánh giá định kỳ hàng năm bởi 3 tổ chức: MSCI, FTSE Russell, và S&P Dow Jones, dựa trên một hệ thống tiêu chí đánh giá riêng nhưng đều tập trung vào các khía cạnh cơ bản như: mức độ phát triển của nền kinh tế, sự ổn định về chính trị, quy mô và tính thanh khoản của thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của NĐT nước ngoài,….Hiện tại, theo tiêu chuẩn của cả 3 tổ chức, Việt Nam đang được xếp vào nhóm kém hấp dẫn nhất: Frontier Market.


TẠI SAO VIỆT NAM CẦN NÂNG HẠNG TTCK?

Nâng hạng thị trường không chỉ là cách xây dựng hình ảnh cho thị trường tài chính quốc gia mà nó còn tác động trực tiếp lên khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài. Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều thị trường Frontier market (FM) khác cũng đang nỗ lực để được nâng hạng lên Emerging market (EM) bởi những lý do sau:

  • Thứ nhất, các thị trường EM có quy mô lớn hơn và chất lượng tốt hơn FM, trong khi tiềm năng tăng trưởng lại cao hơn DM. Dòng vốn mà các EM thu hút được có có tính ổn định hơn, so với những dòng tiền nóng đầu tư vào các thị trường FM. Ngoài ra, mức độ đầu tư vào các thị trường EM lớn hơn rất nhiều so với các thị trường FM. Nếu được nâng hạng lên EM, đồng nghĩa với việc các cổ phiếu đại diện được đưa vào danh mục chỉ số EM, dù tỷ trọng khiêm tốn thì lượng vốn ngoại đổ vào thị trường là rất lớn.
  • Thứ hai, để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường lên EM, bên cạnh việc gia tăng quy mô, tính thanh khoản hay mức độ tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường Việt Nam còn có áp lực phải cải thiện các điều kiện giao dịch như hệ thống vận hành, khung thể chế, tính minh bạch về thông tin. Trong quá trình xem xét, các tổ chức xếp hạng cũng chủ động hỗ trợ các quốc gia hiểu được tình trạng hiện tại cũng như các tiêu chuẩn cần đạt được để có những thay đổi thích hợp. Quá trình này là tác nhân chính giúp các thị trường FM được hưởng lợi từ việc nâng hạng, trong khi quyết định nâng hạng chỉ đóng vai trò xác nhận các điều kiện trên.
Với các lợi ích nêu trên, có thể thấy, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để được MSCI nâng hạng lên thị trường EM trong thời gian qua. Do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi sẽ chỉ tập trung đánh giá thị trường Việt Nam dựa trên bộ quy tắc của MSCI.

HỆ THỐNG PHÂN LOẠI THỊ TRƯỜNG CỦA MSCI

Chúng tôi xin nêu sơ bộ MSCI Market Classification Framework để bạn đọc có cái nhìn tổng quan nhất về các tiêu chí xếp hạng của tổ chức này.


“LỠ DỞ” VỚI GIẤC MƠ MANG TÊN NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG

Trong kỳ đánh giá cùa MSCI vào 6/2017 vừa qua, Việt Nam có nhiều điểm định tính cần cải thiện nên đã “bỏ lỡ” cơ hội được xem xét nâng hạng. Tuy nhiên, China A, Pakistan hay Saudi Arabia đều đã được nâng hạng hoặc được thêm vào danh sách xem xét trong khi cũng còn nhiều điểm cần cải thiện. Sau khi phân tích, so sánh và đánh giá các tiêu chí của MSCI với các trường hợp thành công này, chúng tôi xin nêu 4 điểm mấu chốt mà Việt Nam cần tập trung xử lý để được nâng hạng TTCK:

  • Thứ nhất, đó là gia tăng quy mô có thể đầu tư cho NĐTNN. Điểm mấu chốt đó là cần tăng tỷ lệ tự do chuyển đổi (free float) thông qua giảm bớt tỷ lệ sở hữu nhà nước. Gia tăng quy mô có thể đầu tư là việc rất quan trọng bởi nó không chỉ giúp nâng hạng mà còn quyết định trực tiếp lượng tiền đổ vào Việt nam sau khi được nâng hạng.
  • Thứ hai, sử dụng tiếng anh trong các thủ tục và công bố thông tin. Dù đây là công việc sẽ phát sinh chi phí, tuy nhiên, lợi ích mang lại sẽ lớn hơn nhiều chi phí bỏ ra. Việc có thêm nhiều thông tin bằng tiếng anh thể hiện thiện chí nâng hạng và điều này sẽ được NĐTNN đánh giá cao ngay cả khi chưa được nâng hạng.
  • Thứ ba, tạo cơ chế thông thoáng hơn trên thị trường ngoại hối. Đây là một đầu việc rất lớn, vượt ngoài tầm phạm vi của các thành viên thị trường và đòi hỏi nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị.
  • Thứ tư, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính của DNNY, tạo điều kiện thuận lợi cho NĐTNN đánh giá doanh nghiệp Việt nam. Ngoài ra, việc sáp nhập các sàn chứng khoán để tăng quy mô có thể đầu tư, thống nhất tiêu chuẩn minh bạch quản trị, giúp NĐTNN dễ dàng đánh giá doanh nghiệp chắc chắn sẽ được MSCI ghi nhận và có ảnh hưởng tốt đến quyết định nâng hạng.
Giải quyết được những tồn đọng nêu trên, chúng tôi tin rằng việc nâng hạng chỉ còn là vấn đề thời gian. Quan trọng hơn, việc cải thiện này là minh chứng cho thấy TTCK Việt nam đã phát triển lên một tầm cao mới, đồng nghĩa với một sức hấp dẫn mới.

Nâng hạng là đích cuối của con đường, quá trình đi trên con đường đó bản thân nó cũng đã mang lại nhiều lợi ích cho TTCK Việt nam.

STOCK MASTER tổng hợp từ SSI research

0 nhận xét:

Đăng nhận xét